Thưa các bạn, trong giới Diện Chẩn, tôi đã làm Diện Chẩn từ năm 1986. Tôi là người giảng dạy Diện Chẩn đầu tiên tại Hà Nội, từ năm 1992 đến nay.
Thời điểm đó, Diện Chẩn mới chỉ có các đồ hình trên mặt, chưa có trên loa tai hay phát triển ra khắp cơ thể, cũng chưa có bộ huyệt như bây giờ nhưng chúng tôi áp dụng cũng rất hiệu quả.
Đặc biệt, là ứng dụng thuyết đồng ứng – là điểm mạnh nhất trong Diện Chẩn.
Ngày nay, Diện Chẩn phát triển khắp các tỉnh thành và lan tỏa ra nước ngoài, đó là điều hết sức vui mừng và đáng tự hào về Y học đặc thù Việt Nam.
Diện Chẩn ra đời năm 1980, đến nay là 40 năm. So với các môn Y học như Đông Y có hàng ngàn năm, Tây Y cũng 500 năm thì Diện Chẩn rất non trẻ nhưng đã mang lại những thành công góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu trong cộng đồng. Đặc biệt, trong giai đoạn Thập kỷ 80 – 90, khi dân còn nghèo thuốc men thiếu thốn Diện Chẩn đã rất hữu hiệu.
Ngày nay, Diện Chẩn cũng có một số bước đột phá, hiệu quả nhanh chóng đến bất ngờ trong trị liệu.
Để có được thành công như hôm nay, ngoài Giáo Sư Bùi Quốc Châu – Nhà phát minh ra Diện Chẩn còn có rất nhiều sự đóng xây dựng của các cộng tác viên, các đệ tử của thầy qua các thế hệ.
Diện Chẩn cũng là môn Y học bổ sung, cũng có đặc điểm là dị học nan tinh, nghĩa là dễ học dễ ứng dụng, nhưng để giỏi cần nhiều thời gian năng lực và tâm huyết với nghề.
Do đó, những người theo học và làm Diện Chẩn cần xác định mình là một thầy thuốc, cần phải chuyên nghiệp trong học tập và trị liệu, cần phải trang bị những kiến thức Y học về Đông Y, Tây Y, nếu được cả hai thì càng tốt.
Sự hiểu biết sâu rộng sẽ góp phần đưa Diện Chẩn lên một tầm cao mới.
Như nhà Bác Học Newton từng nói: “Sở dĩ tôi nhìn xa hơn được là nhờ tôi đứng trên vai những người khổng lồ”.
Qua theo dõi Diện Chẩn hiện nay, tôi thấy các bạn hay dùng khái niệm hợp và không hợp và lạm dụng bộ huyệt có phần mơ hồ.
Điều này cũng có thể thông cảm đối với các bạn mới bước vào nghề nhưng cần học hỏi để
chuyên nghiệp hơn.
Ví dụ khi chữa bệnh có những quan niệm như: Khỏi bệnh thì bảo bác hợp với đồ hình này hợp với bộ huyệt này, khi không bớt thì bảo bác không hợp với đồ hình này bộ huyệt này.
Với các bạn mới thì mặc nhiên chấp nhận điều này cho nên khi các bạn bàn luận hay hỏi nhau có những câu như: Tớ làm bộ thăng không thấy đỡ mà lại mệt thêm, bên kia trả lời vậy không hợp bộ thăng chuyển sang bộ bổ âm huyết.
Vậy thực chất là gì?
Trong Y học không nên lạm dụng từ hợp và không hợp. Mà phải là đúng và sai. Dù Đông Y hay Tây Y cũng vậy!
Ví dụ trong Đông Y, đau bụng do nhiệt thì uống bột sắn sẽ đỡ là đúng. Đau bụng do hàn thì uống nước gừng sẽ đỡ là đúng. Không thể nói tôi hợp với bột sắn hay hợp với nước gừng!
Đi sâu hơn nữa, nếu trong hội chứng thái dương trong Thương Hàn Luận, gặp chứng đau đầu phát sốt sợ lạnh mà không có mồ hôi, mạch phù khẩn gọi là thương hàn thì dùng bài ma hoàng thang là đúng.
Hoặc chứng ngoại cảm đau đầu phát sốt mồ hôi nhiều mạch phù hoãn gọi là trúng phong thì dùng bài quế chi thang là đúng.
Chứ không thể nói tôi hợp với ma hoàng hay quế chi thang. Trong Tây Y cũng vậy, khi cần truyền máu phải xác định chính xác nhóm máu cần nhận hay cần cho. Ví dụ người có nhóm máu AB có thể nhận được máu từ tất cả các nhóm máu khác nhưng chỉ cho được người thuộc nhóm máu AB…
Hay khi dùng kháng sinh cũng cần biết nhóm kháng sinh về đường tiết niệu hay đường hô hấp, thậm chí cần phải làm kháng sinh đồ chứ không phải nói tôi hợp hay không hợp với nhóm kháng sinh này.
Trở lại vấn đề trong giới Diện Chẩn, khi chữa không có kết quả ta phải xem lại quá trình khám bệnh của mình đã đúng chưa, đã luận trị đúng chưa, đã tìm đúng sinh huyệt chưa.
Nói thì dễ như vậy nhưng để làm được là cả một vấn đề.
Lại nói về bộ huyệt. Ví dụ bộ huyệt bổ âm huyết với các huyệt: 22 127 63 7 113 19 39 50, thực tế các huyệt này đều nằm trong hệ phản chiếu của dạ dày, tỳ, can, đởm, ruột non, ruột già xung quang miệng trong đồ hình phản chiếu nội tang trên mặt. Đây là cơ quan tiêu hóa chủ việc hấp thu và chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ đồ ăn thức uống để làm nguyên liệu sản xuất ra máu, do đó khi ta tác động vào các huyệt này sẽ kích thích can đởm tỳ vị ruột non. Để tiêu hóa hấp thu tốt hơn qua đó tăng máu. Nhưng chỉ khi những người thiếu máu do vấn đề trên thì thấy kết quả. Nhưng do các nguyên nhân khác thì không có kết quả vì không chữa đúng.
Nhưng chúng ta lại mặc định rằng cứ tác động vào bộ bổ âm huyết sẽ sinh ra huyết, nếu không được thì bảo do không hợp. Có bạn còn ấn bộ bổ âm huyết, rồi ấn thêm bộ vị để đưa máu lên đó.
Ví dụ thiếu máu não thì ấn bổ âm huyết thêm các huyệt bộ vị não như: 126 103 124 34. Cho ra tay thì bổ âm huyết + 65 97 98 99… không phải là ấn vào bộ huyệt nó thành máu ngay và chảy đi theo mình dẫn hihi. Điều này, tôi hay nói vui trên lớp với các học viên Diện Chẩn là Y học cảm tính.
Thực tế, để biến thành máu khi ăn uống vào tới dạ dày phải qua hàng loạt công năng sinh lý của các tạng phủ cùng các dịch thể từ dạ dày xuống tá tràng, ruột non, từ đây nhờ dịch mật dịch ruột, dịch vị, dịch tụy thủy phân các vi chất rồi ngấm qua thành ruột về gan, từ đó gan mới tổng hợp chế biến mới tạo ra máu. Cũng phải mất thời gian chứ không như các bạn tưởng.
Vì thế các bạn phải học Y qua lớp hoặc qua sách vở cũng được, để có thể ứng dụng chuẩn vào Diện Chẩn thì sẽ rất hiệu quả.
Định chia sẻ thêm nhiều cùng các bạn nhưng bài đã khá dài.
Cảm ơn các bạn đã cố gắng đọc.
Trân trọng.!